Chị viết trong thư, giọng văn nhẹ nhàng nhưng có phần khẩn thiết: "Mẹ chiều nào cũng ra đường ngóng trông em. Em làm gì thì làm cũng tranh thủ về thăm mẹ nhé". Khi ấy tôi đang làm gì nhỉ? Có thể là dự một buổi họp quan trọng hay kiểm tra xếp tài liệu mà cô thư ký trẻ xinh đẹp vừa mới đưa, cũng có khi ngồi trong quán café cùng với Hạ, gióng tai nghe một ca khúc xưa được thay thế bằng một giọng ca trẻ đầy cuồng nhiệt.

" /> logo-zalo.png

, Ngôn ngữ:

Việt Nam | English

Vòng xoáy thời gian


Chị viết trong thư, giọng văn nhẹ nhàng nhưng có phần khẩn thiết: "Mẹ chiều nào cũng ra đường ngóng trông em. Em làm gì thì làm cũng tranh thủ về thăm mẹ nhé". Khi ấy tôi đang làm gì nhỉ? Có thể là dự một buổi họp quan trọng hay kiểm tra xếp tài liệu mà cô thư ký trẻ xinh đẹp vừa mới đưa, cũng có khi ngồi trong quán café cùng với Hạ, gióng tai nghe một ca khúc xưa được thay thế bằng một giọng ca trẻ đầy cuồng nhiệt.

Ngày tốt nghiệp đại học, mẹ tôi tổ chức ăn mừng linh đình chẳng thua gì đám cưới. Giết hẳn con bò mà mẹ cùng chị đã dày công chăm sóc từ lúc tôi còn học năm nhất. Hàng xóm kéo đến đông nghẹt cả mảnh sân vuông trước nhà. Người nhà quê mà, chẳng ai phải tiếp đón ai. Cứ mỗi người một việc, vừa làm vừa cười nói hớn hở, mà cái đề tài chỉ liên quan đến sự kiện trong làng đã có đứa con trai được ăn học thành tài. Mấy bà lão lớn tuổi còn rỉ tai nhau, nếu là ngày trước nó cũng có được chức quan lớn chứ chẳng chơi!

Nấu nướng xong rồi tự dọn lên, người lớn sắp xếp chỗ ngồi cho lũ trẻ và cùng ngồi ăn. Chẳng có tuyên bố lý do hay phát biểu trước buổi tiệc. Tôi được xếp ngồi mâm với các cụ trong làng, ngồi sát bên mẹ. Thức ăn tôi gắp cho mẹ cứ đầy ụ lên trong chén mà bà chẳng ăn. Cứ mải nói chuyện với các cụ về tôi, với vẻ mặt ngời lên niềm tự hào lẫn hạnh phúc. Bà còn khoe: "Nó được thầy giáo giới thiệu vào làm ở một công ty trên thành phố, làm lớn lắm, giám đốc hay gì gì đó!".



Những ngày đầu lên thành phố làm việc, cứ mỗi lần tình cờ nghe được bản nhạc Ngọc Sơn hát: "Mẹ già chờ con ngồi đếm lá rơi. Đếm bao nhiêu lá mà con chưa về". Thế là tôi lại nhớ nhà, nhớ mẹ, chỉ mong mau đến ngày được gặp bà. Nhưng rồi công việc với những trách nhiệm nặng nề giữ tôi lại giữa thành phố phồn hoa rực rỡ đẹp. Đẹp lắm, nhưng tôi chẳng thể nào cảm thấy nó thân quen được với mình. Ban ngày đến công ty, tối về tranh thủ ôn lại kiến thức ngoại ngữ rồi đi ngủ, may mà còn có Hạ bên cạnh, nếu không tôi sẽ cô đơn lắm.

Gần một năm sau tôi mới trở về thăm nhà. Chiếc xe đò chòng chành đi mất hơn một ngày trời mới thấy thị trấn heo hút hiện ra. Mẹ đón tôi từ đầu cổng, dáng bà hao gầy đi thấy rõ. Lòng tôi trỗi lên một cảm giác yêu thương vô bờ. Nhưng chưa bao giờ tôi nói điều đó với mẹ, cũng chẳng biết bà có hiểu là tôi yêu thương bà nhiều lắm không?

Mãi đến khi mẹ đưa tay xoa nắn khắp người tôi rồi than:

-Con ốm đi nhiều quá! Con chị nó đâu rồi! Mày ra xem da em nó có xanh không, ngày nhỏ nó hay bị thiếu máu.

Lúc đó tôi mới biết mắt bà đã mờ hẳn. Dù đã cố kìm nén, nước mắt tôi vẫn rơi lã chã lên bàn tay gầy xương của mẹ. Mẹ biết tôi khóc, bà lớn tiếng:

-Cái thằng này, đàn ông mà yếu đuối thế hả? Mẹ già rồi thì mờ mắt chứ có sao đâu.

Sau khi trở về thành phố, ngoài số tiền gửi hàng tháng, tôi gom hết cả số tiền tiết kiệm được trong gần một năm gửi về cho mẹ. Do hồi còn trẻ phải vất vả để nuôi anh em tôi khôn lớn, nên mẹ mới già yếu sớm như thế. Bây giờ người ta sống đến cả trăm tuổi đã là bình thường. Mẹ cũng phải sống đến chừng ấy để nhìn con cháu lớn khôn như thế nào chứ.

Công ty phát triển mạnh, làm ăn ngày càng lớn, giao dịch nhiều hơn. Những chuyến bay ra nước ngoài mà ngày ngồi trên ghế nhà trường tôi từng ao ước, giờ trở nên ngán ngẩm. Tôi chìm vào công việc đến độ có khi quên cả tháng ngày.

Thỉnh thoảng nhận được thư chị, lá nào cũng có câu: "Mẹ chiều nào cũng ra đường ngóng trông em. Em làm gì thì làm cũng phải tranh thủ về thăm mẹ nhé". Tôi hồi âm lại với rất nhiều lý do, khi thì: "Công ty em vừa hợp tác với một công ty nước ngoài, lớn lắm, nếu làm ăn được sẽ khá hơn nên em phải trực tiếp ở công ty để cập nhật tin tức". Khi khác lại: "Dạo này công ty thiếu người trầm trọng chị ạ, em phải trực tiếp kiểm tra trình độ của những nhân viên mới!".

Cứ thế, rất nhiều lý do chính đáng để không về được. Nhiều lúc cảm thấy ngột ngạt với sự bó buộc mà chính bản thân mình tạo ra, nhưng không có cách nào khác. Tôi còn có quyết tâm khiến thật nhiều tiền để xây cho mẹ căn nhà khang trang để bà an dưỡng lúc tuổi già.

Đến khi số tiền tiết kiệm đã lên tới con số khá lớn, tôi mới nhận ra thời gian qua tôi quá bận rộn. Đến nỗi lá thư chị gởi cho tôi từ tháng trước vẫn nằm im trong tủ. Tôi vội vã bóc ra. Nét chữ chị mềm mại: "Mẹ không được khoẻ em ạ, bảo đi bệnh viện nhưng mẹ không chịu, cứ nói tại già nên sinh bệnh. Em tranh thủ về thuyết phục mẹ xem sao, mẹ cứ nhắc em suốt".

Tôi về nhà ngay trong đêm. Ngồi trên chiếc xe mà lòng ngổn ngang bao lo lắng. Không nỡ trách mình, càng không đổ lỗi cho công ty, chỉ cầu mong đừng có chuyện gì xảy ra với mẹ.

Chiếc xe dừng bến khi trời còn chưa sáng hẳn, sương sớm làm mờ cả lối đi. Căn nhà thân quen hiện ra.

Ở đầu ngõ, có tiếng gọi của người hàng xóm:

-Cậu Út mới về đấy à? Mẹ cậu đang nằm bệnh viện tỉnh ấy!

Dường như đã linh tính trước điều này, nhưng tôi vẫn bị choáng khi nghe tin. Định hỏi thêm vài câu đã thấy người đàn bà quay đi, miệng bà ta còn lẩm bẩm: Con với cái, mẹ ốm gần tháng trời mới chịu về thăm!".

Gặp chị tôi ngoài hành lang bệnh viện, nhìn chị xanh xao và quầng mắt đen sạm lại, báo hiệu những đêm dài mất ngủ, tôi thấy mình có lỗi. Chị vừa mừng vừa tủi:

-Sao giờ mới chịu về hả? Có biết mẹ với chị mong em như thế nào không?

Chị đưa tôi đến chỗ mẹ, nhìn bà gầy đét dưới lớp chăn mền mà lòng tôi nhói lên một nỗi đau vô hình. Dù mệt mỏi nhưng mắt mẹ vẫn ánh lên niềm vui khi nghe tiếng tôi. Nắm lấy bàn tay tôi, giọng bà nhẹ như tiếng gió:

-Sao con vẫn không mập lên thế hả? Lát nữa con Hoa về nhà nấu vài thứ ngon ngon cho em nó tẩm bổ. Ngày ở với mẹ, con đâu có ốm như thế này.

Mắt tôi cay xè, cứ muốn sà vào lòng mẹ như ngày còn nhỏ. Mẹ lúc nào cũng vậy, chỉ biết hết lòng vì con cái. Một đời của mẹ tận tụy, bòn góp từng đồng để nuôi chúng tôi có ngày hôm nay. Tôi không bao giờ quên những tháng ngày vất vả khi cha tôi qua đời. Mẹ một thân một mình dầm mưa dãi nắng với luống rau, bầy vịt để kiếm tiền. Có những hôm mẹ dẫm phải vỏ ốc, bàn chân sưng tấy lên. Mẹ giấu chúng tôi cho đến khi vết thương làm độc phải cưa hẳn đi một đốt, thế mà mẹ vẫn bảo không sao, chỉ cần chị em tôi ăn học nên người thì dù đau đớn nào mẹ cũng vượt qua được.

Vị bác sĩ trẻ măng nhìn tôi đầy thông cảm:

-Chúng tôi hiểu tấm lòng của anh. Có tiền nhưng cũng phải đúng thời điểm thì bệnh mới có hy vọng chữa khỏi. Bác được chuyển lên trễ quá. Có lẽ sức khoẻ của bác chỉ kéo dài được vài ngày nữa thôi. Xin lỗi anh nhé!

Tôi bước ra khỏi phòng trong niềm tuyệt vọng. Xấp tiền mới cứng nằm yên trong ngăn túi. Chưa bao giờ tôi thấy nó thừa thãi và vô dụng như lúc này.

Mẹ tôi chết trong một buổi chiều mưa bão. Bà ra đi rất nhẹ nhàng, trước đó còn tỉnh táo đưa cho tôi tờ giấy nhà đất mà người đứng tên là tôi. Chị giải thích: "Tiền em gởi về hàng tháng, với số tiền em gởi cho mẹ để phẫu thuật mắt, mẹ không chịu đi, nói để dành mua miếng đất cho em".

Tiếng điện thoại khẽ rung lên, bên kia có tiếng nói Hạ nhẹ nhàng:

- Em biết tin của mẹ nên gọi điện chia buồn với anh.

- Ừ, cảm ơn em, em đang ở công ty đấy à? Nếu được thì em cố gắng về thăm mẹ mình đi em nhé. Chúng ta còn có cả một cuộc đời cho công việc phải không em?

Tôi nói với Hạ mà như đang nói với chính mình. Nhưng với tôi, giờ đây đã quá muộn. Giá như tôi có thể nghĩ ra điều gì đó sớm hơn. Mà cuộc đời này còn bao nhiêu điều để mà "giá như" như thế?

Sưu tầm - Post by : Mr.Mika nguyễn

Các tin cũ hơn



Hỗ trợ khách hàng

Tổng lượt truy cập:

20,857,515

Truy cập hôm nay:

391

Đang trực tuyến:

14