Chăm chú lựa chỗ gân bò vừa lọc ra từ miếng thịt đùi tươi rói, tôi mừng thầm vì đã chọn được vài lát ngon, ít bạc nhạc, có thể kho mềm với cà rốt cho cu Tuấn ăn. Nhìn tảng phi lê đỏ au, chợt nhớ ra đã lâu lắm chưa dám mua lần nào. Loại thịt đó quá mắc so với túi tiền của một nhân viên đánh máy quèn

" /> logo-zalo.png

, Ngôn ngữ:

Việt Nam | English

Hai đứa trẻ


Chăm chú lựa chỗ gân bò vừa lọc ra từ miếng thịt đùi tươi rói, tôi mừng thầm vì đã chọn được vài lát ngon, ít bạc nhạc, có thể kho mềm với cà rốt cho cu Tuấn ăn. Nhìn tảng phi lê đỏ au, chợt nhớ ra đã lâu lắm chưa dám mua lần nào. Loại thịt đó quá mắc so với túi tiền của một nhân viên đánh máy quèn.

Nghĩ đến con, đột nhiên tôi nhận ra cu Tuấn vừa đứng túm gấu áo má đã biến đi đâu mất. Bỏ cả chỗ gân bò mất bao công chọn lựa, tôi quáng quàng phóng khắp chợ tìm con. Chỗ nào cũng chật như nêm. Tôi cuống quýt xô đẩy, rẽ vẹt đám người, mặc cho họ trợn mắt la lối rủa xả.

Toát cả mồ hôi vẫn không tìm thấy nó. Tim tôi đập thình thịch, nước mắt trào ra. Miệng gào thất thanh Tuấn ơi Tuấn à. Đúng lúc đó tôi nghe tiếng cu Tuấn khóc. Rẽ ngoặt sang dãy hàng khô, tôi bàng hoàng nhận ra thằng nhỏ đang đứng trước một gã ăn mày, tay chân băng bó chằng chịt, lớp vải mùng thấm máu đỏ lòm.

Nó khóc vì quá khiếp đảm. Tôi nhào đến, bồng con lên tay. Trước khi ấp nó vào lòng dỗ dành, tôi chợt nhìn thấy đứa trẻ khoảng một tuổi đang thiêm thiếp ngủ trong tay người đàn ông ấy.

Lòng dạ tôi nôn nao. Định quay đi thì cu Tuấn giật tay áo má, chỉ về phía đứa bé. Một người đi qua thương tình bỏ đồng bạc lẻ vào chiếc nón nát tươm đang chìa ra. Tôi ngập ngừng, bàn tay lần sờ túi. Chỗ tiền còm cõi mang theo vừa đủ mua lạng gân bò và vài củ cà rốt cho con.

Mặc cu Tuấn giãy giụa, tôi cương quyết bồng nó quay lại. May quá, chưa ai mua chỗ gân bò tôi đã chọn xong. Tôi vội vàng bốc lên cân, trả tiền và dắt con ra chỗ hàng rau quen biết gần cổng chợ. Cầm bao nilon đựng hai củ cà rốt nhỏ xíu và chỗ gân bò rẻ tiền, tôi dắt cu Tuấn ra về, vẫn chưa hoàn hồn khi nghĩ đến chuyện suýt lạc mất con.

Bữa trưa, cu Tuấn bỏ cơm. Sờ trán nó thấy vẫn mát rượi, tôi băn khoăn hỏi con đau chỗ nào, sao không chịu ăn vậy? Nó phụng phịu hồi lâu rồi nói rất ngây thơ: "Sao má hổng cho xiềng (tiền) người ta!". Tôi cười mà miệng méo xệch. Thằng nhỏ mới tròn năm tuổi, làm sao hiểu nổi má nó cũng nghèo, vẫn hay chảy nước mắt khi nghĩ đến đứa con còn non nớt đã phải nhịn thèm đủ thứ.

Đi chợ thấy của ngon vật lạ, phải quay mặt đi không dám ngó. Mua lạng thịt, biết người ta cân thiếu, thấy đau như chính mình bị tùng xẻo vậy. Tôi gượng cười nói con ăn ngoan đi, mai má sẽ cho họ tiền, được chưa? Cu Tuấn gật lẹ, xúc cơm ăn một hơi, mau hơn cả mọi ngày.

Từ bữa đó, cu Tuấn hay vòi má cho đi chợ cùng. Nó cười hào hển khi thả đồng hai trăm nhàu nhĩ vào chiếc nón nát. Nụ cười của nó sáng bừng cả khuôn mặt non tơ. Tôi đổi sẵn tiền, để dành một tuần năm tờ hai trăm đồng màu cà rốt trong chiếc hộp giấy. Mỗi lần theo má đi chợ, cu Tuấn lại mở chiếc hộp, lấy ra một tờ. Hôm nào có nó đi cùng, tôi cũng dành cho con niềm vui được đem cho người ăn mày những đồng bạc lẻ đó.

Một buổi sáng, cu Tuấn không đợi tôi, nó đi như chạy đến chỗ người đàn ông. Rất thân thiện, nó đưa tay nắm bàn chân thằng bé con lắc lắc, cười thiệt giòn. Rồi nó lanh lợi thả tờ bạc xuống chiếc nón. Từ bên hông anh ta, tôi nhận ra nụ cười của cu Tuấn chợt tắt. Ánh mắt hung hãn loé lên, anh ta giật chiếc nón lại.

Tờ bạc rớt xuống đất. Cu Tuấn nhìn sững khuôn mặt dữ dằn đó như bị thôi miên. Môi nó nhành ra như sắp khóc. Ngó thấy tôi bước tới, anh ta quay mặt đi, sau khi ném lại một cái nhìn khinh miệt. Tôi giật thót người, nhận ra vẻ quen thuộc trên khuôn mặt lem luốc kia. Anh ta giống y chang người đàn ông vẫn ngồi uống bia ở quán cóc đầu con hẻm mà tôi thường bỏ mối đậu phộng rang.

Chắc mình nhìn lầm người thôi. Người đàn ông nọ mạnh khỏe, áo quần tinh tươm, lại có tiền uống bia mỗi tối, sao có thể là gã ăn mày nhếch nhác, máu me bê bết như vầy? Tôi dắt cu Tuấn định bỏ đi, bỗng choáng cả người như bị điện giật.

Lần đầu tiên tôi phát hiện ra đứa trẻ trên tay anh ta luôn thiêm thiếp ngủ, không khi nào tỉnh giấc. Không hề la khóc như bao đứa trẻ khác. Vậy là sao? Vừa đi tôi vừa nghĩ miên man.

Từ bữa đó, tôi gửi cu Tuấn sang hàng xóm mỗi lần đi chợ. Nó dường như cũng biết sợ, không đòi theo má như mọi ngày. Tôi tránh đến gần chỗ anh ta ngồi, nhưng từ xa vẫn kín đáo quan sát đứa nhỏ. Quả thật, chưa khi nào tôi thấy nó thức. Như cục thịt vô tri vô giác, nó nằm im thin thít trong đôi tay lúc nào cũng băng bó, nhoe nhoét đỏ của anh ta.

Tối hôm đó, đi bỏ đậu phộng rang ở con hẻm nhỏ, tôi chủ tâm tìm tòi nhưng không thấy bóng dáng người đàn ông ngồi uống bia như mọi lần. Tôi càng tin mình đã lầm người.

Sau một thời gian, tôi thuê chỗ ở khác, và đi chợ ngay trong khu tái định cư. Không còn gặp người đàn ông lạ lùng đó nữa, hình ảnh anh ta cũng phai dần trong tâm trí tôi.

Buổi tối đi làm về ngang qua bãi đất trống gần chung cư, lâu lâu tôi lại gặp người đàn bà dở hơi nằm ngủ lăn lóc trên đám cỏ. Bên cạnh là đứa trẻ lấm láp, bò lổm ngổm, cứ rúc vào nách mẹ mò mẫm, sục sạo. Chị ta há miệng ngáy rất vô tâm. Đứa trẻ khóc váng lên cho đến khi tìm được vú mẹ nó.

Tuy rất xót xa trước cảnh ngộ đó, nhưng tôi chẳng làm được gì, chỉ lâu lâu bỏ xuống cạnh chị ta gói giấy báo đựng cái bánh mỳ không nhân. Cứ đến sáng là người đàn bà đó biến mất. Chắc đang bồng con đi lang thang xin ăn. Làm sao chị ta nuôi được đứa nhỏ chớ?

Tôi thường đón cu Tuấn từ trường mẫu giáo về sớm, gởi cho hàng xóm trông giùm rồi mới đi làm. Tôi muốn tránh cho nó khỏi nhìn thấy cảnh tượng thương tâm. Hẳn nó vẫn còn sợ khi nhớ đến người đàn ông trong chợ đã khinh khi tờ bạc nhỏ, và quắc mắt tức giận nhìn nó ra sao.

Một bữa tôi nhận việc làm thêm nên về muộn hơn mọi ngày. Cu Tuấn đã được bà nội đón về quê nghỉ hè vài hôm trước. Gần bãi đất trống là khúc đường đất lổn nhổn đầy ổ gà. Như mọi lần, tôi xuống xe dắt bộ một đoạn. Rồi tôi đứng chết trân giữa đường. Bụi cây gần đó bất ngờ lay động.

Định thần lại, tôi thấy người đàn bà ngây ngô nằm ngửa, thò mặt ra ngoài. Trên người chị ta là một gã đàn ông. Cả hai trần trùng trục. Có tiếng con nít khóc thét ngay bên cạnh. Tôi vội vàng leo lên xe, đạp thục mạng. Đôi lốp cũ cứ dằn bình bịch, xót ruột quá chừng. Vào đến nhà, tôi không bật đèn.

Đứng lặng trong bóng tối, người tôi nóng bừng, tim nảy thon thót trong lồng ngực. Lâu lắm rồi tôi đã quên cảm giác được làm đàn bà. Từ trước ngày chồng tôi bỏ mình vì bệnh lao. Căn bệnh của người nghèo, lại thiếu tiền thuốc thang chữa chạy. Vì sợ lây chứng bệnh đáng sợ ấy mà chẳng người đàn ông quen biết nào lại dám gần gũi tôi.

Mặc dầu tôi không hề ho lao như người ta vẫn đồn thổi, rỉ vô tai nhau. Tôi chỉ thật sự hòa đồng với mọi người qua những câu chuyện tôi vẫn đánh máy thuê cho một nhà xuất bản. Ám ảnh bởi những nhân vật trong các trang sách đó, đôi khi tôi không đồng tình với người viết và tưởng tượng ra một kết cục khác. Có lẽ đó cũng là bệnh nghề nghiệp chăng?

Tôi đứng lặng, suy ngẫm miên man, nhưng ý nghĩ rõ nét nhất là mình thật bất hạnh. Người đàn bà dở hơi kia còn sung sướng hơn. Chị ta vẫn có kẻ thèm muốn, ôm ấp. Còn tôi khỏe mạnh, sáng trí lại chẳng được ai dòm ngó tới. Nước mắt chảy tràn trên má. Lần mò lại chiếc giường gỗ tạp, tôi nằm lăn ra đó, lòng tràn ngập đắng cay.

Nỗi xót xa càng lúc càng dâng lên, khi tôi nhớ lại thời gian gần gụi người chồng đã khuất. Mười năm về trước, anh là một chàng trai tầm thước nhưng rất mực dẻo dai. Chúng tôi đã từng đam mê, yêu đương đến rồ dại. Khi anh còn ở trong phòng tập thể nam của nhà máy, tôi đã có lần từ quê lên thăm chồng. Làm gì có tiền để mướn một phòng trọ riêng, anh đưa tôi đến ở nhờ nhà vợ chồng người bạn.

Hai người nhường cho tụi tôi chiếc giường một, còn họ nằm trên giường đôi bên kia cùng với đứa con. Cách nhau chỉ một chiếc riđô vải, tôi và anh lúc đầu không dám cựa quậy gì. Chiếc giường mục chân cứ cọt kẹt kêu rên sau mỗi cử động nhỏ. Hai đứa tôi vuốt ve nhau đến đê mê, tê tái cả người.

Đầu óc tôi sắp phát cuồng thì anh ngồi dậy, lôi tuột tôi xuống đất. Rón rén kéo chiếc chiếu trải vội xuống nền nhà, anh trườn lên người tôi, sung sướng ấn mình vào thân thể đàn bà lúc bấy giờ đã căng mọng, nảy nở hết độ. Chúng tôi tan vào nhau, ngọt ngào và đắm đuối. Cảm giác hạnh phúc tràn ngập con tim.

Tôi thấy mình đang trôi bồng bềnh trên một dòng sông êm ái. Không còn mùi bụi đất ẩm mốc, mùi nước tiểu trẻ nít khai mù. Cũng không hề thấy mắc cỡ khi phải đối mặt với chủ nhà vào sáng sớm mai.

Năm năm sau, khi được về sống bên nhau, tôi mới biết chồng mình đã mắc bệnh phổi vì bụi xi măng và ăn uống kham khổ. Sau khi sinh được cu Tuấn, anh ốm yếu hẳn đi. Miếng ăn ngày thường đã khó kiếm nay lại phải nhường phần lớn cho con. Tôi nhìn anh ấy chết dần mà đành thả tay.

Thời gian cuối, anh đòi chuyển về quê, sống cách ly vợ con vì sợ lây bệnh cho cu Tuấn. Chồng tôi chết đi mà không kịp nhìn mặt con trai lần cuối. Được tin bệnh tình anh trở nặng, tôi cuống cuồng đưa con về quê, chỉ còn kịp thấy hình hài gầy guộc, võ vàng của anh trước giờ khâm liệm.

...Tôi nhỏm dậy, cố gạt đi nỗi đau đang bóp nghẹt lồng ngực. Ráng đứng lên, kẹp lại mái tóc, tôi mở cửa bước xuống đường. Trăng ngoài kia sáng quá, khiến người ta muốn đi dạo, muốn hít thở khí trời để tạm quên mọi ngột ngạt đời thường. Đôi chân tôi đột nhiên sững lại khi nhìn thấy một người vừa bước ra từ bóng tối dưới rặng cây.

Chính là anh ta, gã đàn ông vẫn ngồi uống bia đầu con hẻm nhỏ. Lướt qua nơi tôi núp với vẻ mặt thoả mãn, anh ta bồng một đứa nhỏ trong tay, nghênh ngáo đi xa dần. Chợt hiện ra trong óc tôi khuôn mặt ngơ ngẩn của người đàn bà, tôi vội vàng tiến lại gần bãi đất trống. Trong lùm cây, chị ta vẫn say sưa ngủ, áo xống trật ra, vú vê thây lẩy. Tôi sục tìm quanh đấy nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng đứa trẻ đâu.

Óc tôi nhoang nhoáng những hình ảnh nối tiếp nhau. Tôi cố ráp nối, dựng nó lại thành một cuốn phim hoàn chỉnh. Người đàn ông này chính là gã ăn mày ngồi trước dãy hàng khô trong chợ. Hàng ngày hắn ta dùng đứa con của người mẹ mất trí kia đi kiếm ăn.

Tối đến lại đem giao trả chị ta để cho bú, và thỏa mãn nhục dục thấp hèn. Hắn coi thường những đồng bạc lẻ, bởi đã kiếm được khá hơn nhờ lòng hảo tâm của người đời. Nhưng bức bối nhất đối với tôi vẫn là số phận đứa trẻ. Nó phải uống thuốc ngủ ngày này qua ngày khác, trở thành phương tiện kiếm tiền của gã đàn ông thất đức!

Tôi chạy lên phòng, đội chiếc mũ vải sụp xuống mặt. Mở cửa lôi chiếc xe cà tàng xuống, tôi đạp như điên tới con hẻm nhỏ. Hắn đang ngồi đó, uống bia với mực khô, trong bộ quần áo tôi vừa nhìn thấy. Đứa bé con nằm ngủ ngon lành trong vòng tay người chủ quán. Lâu nay tôi cứ ngỡ nó là con ruột của chị.

Rời khỏi cây cột điện, tôi trở về nhà. Đạp ngang qua bụi cây, tôi dừng lại, ngồi xuống kéo tấm áo rách bươm đắp lên ngực người đàn bà, lòng chợt buồn thê thiết.

Sáng hôm sau, tôi bỏ một buổi làm đi tìm gặp cán bộ phường. Nghe tôi kể xong, anh ta bảo làm sao chứng minh được đứa bé đó là con của người đàn bà dở hơi? Chị ta mất trí rồi, lấy gì làm cơ sở kiện thưa?

Tôi cố thuyết phục anh ta bằng tất cả những gì mình biết. Cuối cùng anh ta giới thiệu tôi lên trụ sở Hội đồng nhân dân quận. Mất thêm mấy buổi làm, tôi đã gặp được người đại diện tiếp dân.

Ông ta dịu dàng nghe tôi nói hết rồi nhẹ nhàng giảng giải: "Chị nên thông cảm. Quận có biết bao là công chuyện, có hàng trăm cái bang, làm sao giải quyết hết mọi việc một sớm một chiều? Hãy kiên nhẫn chờ đợi. Tôi xin ghi nhận trường hợp này, và sẽ cho người tìm hiểu, giải quyết".

Tôi quay về nhà, kiên nhẫn chờ đợi, cho đến tận tuần rồi.

Buổi sáng đó tôi đi ngang chợ cũ, thấy đứa bé đã yếu lắm. Nó nghi ngóp thở, mặt mày xám ngoét. Chắc nó không thể chờ đợi như lời khuyên sáng suốt kia. Tôi về nhà, mở khóa tủ, lôi chiếc hộp giấy bọc mấy lớp nilon ra. Đếm tất cả số tiền ky cóp được trong suốt hai mùa hè đánh máy từ sáng tới khuya, được một triệu tám. Số tiền quý giá này tôi dành dụm để mua chiếc tivi màu nội địa cho cu Tuấn.

Mùa hè trước, tôi đã hứa với con điều đó. Cu Tuấn sướng mê vì sắp được ở nhà coi phim "Tây du ký". Không phải chạy qua hàng xóm hoài. Bên đó có con chó dữ hay nhe nanh dọa cắn nó. Hè nào Cu Tuấn cũng vui vẻ về quê ở với nội để má rảnh rang nhận thêm việc làm. Nghĩ tới vẻ mặt buồn thỉu của con, tôi ứa nước mắt.

Buổi tối, tôi đạp xe đến quán bia, tỉ tê với chị chủ quán, xin được nuôi thằng nhỏ. Chị ta ngó đứa trẻ trên tay. Coi mòi nó yếu lắm rồi, có người nuôi cho cũng là phước đức. "Nhưng phải chuộc công dưỡng dục lâu nay nghe!". Tôi trao cho chị ta triệu rưỡi đồng theo thỏa thuận và bế thằng nhỏ về nhà. Số tiền còn lại, tôi lo thuốc thang cho nó.

Cu Tuấn trở về, rất mừng vì mẹ đã sinh thêm một em bé. Tôi giải thích mãi nó vẫn không chịu nghe. Đến khi tôi bảo má đổi em bé bằng cái tivi của con đó, cu Tuấn day qua nhìn tôi ngơ ngác. Rồi nó cầm tay đứa nhỏ, nói con thích em bé hơn cái tivi, một mình con có em bé thôi má há!

Tôi chợt nghĩ tới nỗi buồn của con khi phải rời xa thằng nhỏ. Mình tôi làm sao nuôi nổi cả hai đứa? Buổi tối phải lo chăm sóc tụi nó, tôi không còn thời gian đi làm thêm. Tiền thuê nhà, tiền nhà trẻ rồi mẫu giáo ngốn hết thu nhập còm cõi của tôi. Còn thêm tiền ăn và trăm thứ bà rằn khác nữa. Chưa kể lúc thằng nhỏ ốm đau. Dẫu sao cũng phải ráng vay mượn, đắp đổi qua ngày và kiên nhẫn chờ đợi.

Theo lời hứa của vị đại diện hội đồng, trại trẻ mồ côi thành phố sẽ làm thủ tục nuôi dưỡng thằng nhỏ. Tôi chỉ biết kiên nhẫn chờ đợi...

Post By : Mr.Mika nguyễn

Các tin cũ hơn



Hỗ trợ khách hàng

Tổng lượt truy cập:

20,857,507

Truy cập hôm nay:

389

Đang trực tuyến:

16