Lên mười tuổi, Nguyên phát hiện mình có nhiều thứ bận tâm không giống với những đứa bạn chung quanh. Chẳng hạn, Nguyên luôn luôn tò mò không biết một con khủng long sẽ đi về đâu nếu cứ vẫn bị con người xua đuổi khỏi mặt đất này?

" /> logo-zalo.png

, Ngôn ngữ:

Việt Nam | English

Cái chết của khủng long


Lên mười tuổi, Nguyên phát hiện mình có nhiều thứ bận tâm không giống với những đứa bạn chung quanh. Chẳng hạn, Nguyên luôn luôn tò mò không biết một con khủng long sẽ đi về đâu nếu cứ vẫn bị con người xua đuổi khỏi mặt đất này?

Xem những phim giả tưởng về thời tiền sử, Nguyên càng thêm thất vọng vì chỉ thấy những cảnh săn đuổi lẫn nhau giữa con người và khủng long và cảnh những con khủng long bị sát hại dã man mà chẳng hề có lấy một hình ảnh nào có thể giải đáp cho câu hỏi của mình.

Vì vậy, Nguyên ôm trọn thắc mắc đó trong lòng cho đến khi được tận mắt chứng kiến những giây phút cuối cùng của bà ngoại.

Bà mất vì ung thư ruột sau khi kéo dài căn bệnh gần nửa năm. Lúc hấp hối, bà co quắp cả người trong một trạng thái đau đớn dữ dội, hai mắt bà nhắm nghiền, hai tay huơ huơ trong không khí, miệng nói lảm nhảm trong lúc người bà cứ lạnh dần và cứng đờ trước khi thở hắt ra thật mạnh.

Đó là một cảnh tượng quá bi thảm mà một đứa bé còn non nớt có lẽ không nên nhìn thấy, Nguyên nghĩ. Nhưng vào lúc ấy không một ai quan tâm đến một đứa bé hết; tất cả mọi người đều như bị kích động, họ than khóc, gào thét, kể lể và Nguyên, như một sự hiện diện bất đắc dĩ, hoàn toàn bị nhấn chìm trong một bầu không khí thật sự hoảng loạn.
Ảnh: Tuấn Anh

Nguyên không biết một con khủng long thì sẽ chết như thế nào? Có giống như những gì mà Nguyên đã thấy? Những hình ảnh cuối cùng của bà ngoại khiến cho Nguyên bỗng nhiên liên tưởng đến con vật khổng lồ, tội nghiệp ấy với một niềm cảm thương tràn ngập.

Sau cái chết của bà ngoại, tháng chín năm sau Nguyên lên lớp sáu và phải chuyển đến học ở một ngôi trường mới cách xa nhà ba trạm xe buýt. Nhưng Nguyên không đến trường bằng xe buýt, mà đi bộ.

Mỗi ngày Nguyên đều đi qua những dãy nhà buồn thiu, đóng kín hay chỉ mở hờ một bên cửa, nơi mà một thời đã từng là một khu phố buôn bán nhộn nhịp của người Tàu. Ngoài ra, khi có bạn bè tụ tập, mới la cà ở cái vườn hoa be bé gần trường hay cái sạp báo ở ngay giao lộ.

Tuy nhiên, trên lộ trình quen thuộc đến độ nhàm chán đó, một địa điểm mà Nguyên không thể nào không ghé qua mỗi ngày, bất kể trời mưa hay nắng, lại chính là nhà tập thể hình.

Trước mắt Nguyên bây giờ, khu phố cũ đã hoàn toàn lột xác, nhiều căn hộ mới sang trọng mọc lên như nấm và cái nhà tập thể hình hơn mười năm trước đã phải nhường chỗ cho một cửa hiệu buôn bán quần áo lót phụ nữ hiệu Your Passion. Nguyên đi trở lại khu phố đó. Có quá nhiều khuôn mặt lạ. Anh tìm đến đúng vị trí của nhà tập thể hình một thuở nhưng chỉ thấy những tủ kính bóng lộn với những con ma-nơ-canh mỹ miều bên trong nhìn mình không chớp mắt.

Một cô gái trong bộ trang phục màu mận chín từ trong cửa hàng bước ra, mỉm cười chào Nguyên.

"Chào ông. Tôi có thể giúp được gì cho ông không ạ?".

Lúc ấy, sực tỉnh, nhận ra là đã đứng quá lâu một cách bất bình thường ở một nơi không phải dành cho mình, anh nói như một cái máy, "Không, không. Cảm ơn cô", rồi bỏ đi nơi khác.

*
Chính ở nhà tập thể hình, lần đầu tiên Nguyên mới khám phá ra thế nào là vẻ đẹp của thân thể đàn ông.

Những người đàn ông với bắp thịt cuồn cuộn và bộ ngực căng vồng, vạm vỡ cứ như những lực sĩ giác đấu La Mã từ trong phim bước ra, đi đi lại lại trước mắt một cách kiêu hãnh. Chắc họ phải khỏe ghê gớm lắm và dễ dàng hạ gục bất kỳ đối thủ nào. Một vẻ tự tin, ngạo nghễ lạ thường toát ra từ người họ khiến Nguyên bỗng dưng cảm thấy mình nhỏ bé và yếu đuối một cách thảm hại.

Nhiều lần trước gương Nguyên cũng bắt chước thóp bụng, ưỡn ngực, hai tay chống nạnh giống như họ và ngạc nhiên không biết tại sao da thịt người ta lại có thể co dãn như kẹo cao su để phình to lên quá cỡ như vậy. Nếu cứ tiếp tục căng phồng mãi, như trong câu chuyện của con ếch với con bò, liệu có một ngày nào đó mà da thịt và những sợi gân đang nổi lên từng thớ như những cái vòi nước kia sẽ bị nổ ra tan tành từng mảnh không? Nguyên bất giác tưởng tượng như đang tận mắt thấy những sợi gân xanh ấy bị bắn tung tóe lên tấm gương; máu me, thịt mỡ lầy nhầy trên trần nhà, còn thân thể mình thì lép xẹp như một miếng da thú bị lột phơi khô ném ra sàn gạch mà phát sợ.

Tuy nhiên, từ hiếu kỳ đến thán phục và ngưỡng mộ, mỗi bữa tan học trên đường về Nguyên đều ghé qua nhà tập thể hình, nép mình bên cánh cửa, chiêm ngưỡng họ và mơ ước. Nguyên mơ có một ngày chính mình cũng sẽ là một lực sĩ đứng trước những tấm gương to ốp dọc hai bên tường của nhà tập thể hình, hai tay nâng tạ quá khỏi đầu và sau đó, như một vận động viên thứ thiệt trong các cuộc tranh tài, sẽ lạnh lùng ném phịch chúng xuống đất trước những tràng vỗ tay hoan hô cuồng nhiệt của đám bạn.

Trong khi chờ đợi giây phút huy hoàng ấy, đều đặn mỗi ngày Nguyên uống thêm thuốc bổ, tập hít đất và đu xà ngang.

Có lần trong một bài tập làm văn viết về nhân vật lịch sử mà mình yêu thích nhất, Nguyên đã vô tình tiết lộ mơ ước của mình trong phần kết luận: "Em mơ ước sẽ trở thành một lực sĩ vô địch cử tạ". Điều đó không những không được chia sẻ mà còn làm cho cô giáo phải sửng sốt và đám bạn được một phen cười vỡ bụng khi chúng chuyền tay nhau đọc. Bài tập làm văn ấy, lẽ tất nhiên, không được điểm cao và còn bị cô giáo viết lời phê vào cái khung hình chữ nhật trong tờ giấy bài tập: "Lạc đề". Có thể xem đó là một thất bại đầu tiên của Nguyên trong giao tiếp với đồng loại.

Đám bạn đặt cho Nguyên biệt danh "Nguyên vô địch" từ đấy. Nguyên không hề tự ái hay mặc cảm mà thản nhiên đón nhận nó. Có làm sao? Bộ tụi nó không thích trở thành một lực sĩ hay sao?

Đó là thời điểm người đàn ông ấy bắt đầu xuất hiện.

*
Có nhiều lý do để họ chia tay.

"Một thời gian. Để cả hai tự nhìn lại mình", Ngọc nói.

Ngọc nhận được đề nghị của cấp trên thuyên chuyển cô đến công tác ở chi nhánh ngân hàng ở TC, một tỉnh mới được tách ra vào tháng tám. Cô hoàn toàn có lý do để có thể xin ở lại không đi và ngân hàng sẽ có người sẵn sàng thay thế vào vị trí đó. Ví dụ như: cô tiếp nhận bộ phận nhân sự mới được có mấy tháng; mẹ cô đã tám mươi hai tuổi và cô không thể sống ở một nơi quá xa với bà... Thế nhưng cô đã chấp thuận lời đề nghị, như cô nói với Nguyên, như một liều thuốc thử quan hệ giữa hai người.

Một năm trước, họ quyết định sống chung với nhau, theo phương châm một cuộc sống chung, trong đó vị trí của mỗi người không vì thế mà bị xóa nhòa. Họ thuê một căn hộ bên bờ sông để giảm bớt sự ô nhiễm; từ ban công có thể nhìn thấy tòa nhà cao nhất của thành phố và toàn bộ sân vận động. Họ lập thực đơn cho cả tuần, trừ tối thứ bảy đi ăn ngoài và cùng chia sẻ với nhau một số bận rộn mới, như phân công nhau đi chợ, nấu ăn, đổ rác và dắt chó đi dạo.

Ngọc gọi điện thoại cho mẹ và bạn bè của cô, nói cô đang vui và đang ôm ấp rất nhiều dự định cho tương lai.

Thời gian đó Nguyên đang cùng với một nhóm tiến hành khảo sát tâm lý của khách hàng đối với việc sử dụng rộng rãi các máy tính tiền tự động trong siêu thị. Nguyên có khá nhiều thời gian làm việc tại nhà. Vì vậy anh lãnh trách nhiệm nấu ăn, chăm sóc những chậu kiểng, nhận báo chí, thư từ hằng ngày và các thứ giao dịch với nhân viên bảo vệ, công ty quản lý nhà... Mỗi sáng sau khi Ngọc rời nhà đi đến công sở, Nguyên mới thức dậy. Anh pha cà phê, sau đó ngồi làm việc ở phòng khách cho đến quá trưa.

Đến mùa hè, bỗng dưng có một vài rắc rối nhỏ xảy ra cho căn hộ. Đầu tiên, những cây xanh trồng ngoài ban công tự nhiên cứ ngày một héo dần đi. Tình trạng ấy xảy ra trong toàn khu vực do nguồn nước tưới lấy từ robinet có quá nhiều chất gỉ sét và kim loại. Rồi kế tiếp xảy ra vụ một người nhảy lầu tự vẫn khiến cho cả khu nhà không dưng bị ám ảnh bởi một bầu không khí nặng nề, trầm uất. Họ nảy sinh ý định đi tìm một chỗ ở khác.

Thế rồi, đúng vào giai đoạn ấy, Ngọc bất ngờ nói với Nguyên là cô thèm có một đứa con.

"Sao lại bất ngờ vậy? Em thấy đấy, anh chưa sẵn sàng để làm cha của một đứa trẻ".

Ngọc viện dẫn nhiều lý do để cố thuyết phục Nguyên. Một trong những lý do anh thấy khá kỳ cục là Ngọc nói rằng cô cảm thấy cái phương châm họ thỏa thuận lúc đầu đang trở thành một vật trở ngại cho cuộc sống chung của hai người.

"Này nhé, nếu em thật sự muốn, như em nói, em có thể xin một đứa con nuôi cũng được mà".

"Nhưng với con nuôi thì hoàn toàn không có cảm giác một sự sống đang ngọ nguậy trong chính cơ thể của mình, cảm giác nó đang lớn lên từng ngày, từng giờ, anh biết không?".

Nguyên nói anh cần có thời gian suy nghĩ và với một chuyện hệ trọng như thế thì cả hai phải thảo luận cho thật kỹ.

Một lần tình cờ Ngọc bắt gặp trong ngăn kéo bàn làm việc của Nguyên nhiều tấm ảnh chụp các vận động viên thể hình đứng làm người mẫu cho các tạp chí thời trang và các hãng sản xuất dụng cụ thể thao, bên cạnh một số tạp chí với những tấm ảnh đàn ông khỏa thân. Cô thật sự choáng váng, không còn tin vào chính mắt mình nữa. Lúc ấy cô mới chợt tỉnh ngộ, rằng có quá nhiều điều về con người của Nguyên mà cô tưởng đã biết nhưng thật ra cô tuyệt nhiên chẳng biết gì hết. Có lần Nguyên nói với cô về lý thuyết phản vật chất và sự tồn tại của một thế giới song song với thế giới hiện thực đang sống. "Bộ em không tin sao?", Nguyên khẽ nghiêng đầu sang một bên và nheo nheo con mắt trái làm bộ như chế giễu, ngón tay trỏ vẽ những đường zích zắc vô hình trong không khí, "chỉ cần có một chút nhạy cảm, người ta sẽ nhìn thấy tất cả". Cái thế giới song song của Nguyên đây hay sao?

Cô linh cảm về mối quan hệ không lành mạnh của Nguyên với những người đàn ông chung quanh và cô bắt đầu theo dõi.

*
Tất cả đều biến mất. Dấu vết duy nhất còn sót lại để có thể nhận ra cái vườn hoa trước kia chính là cây liễu. Thời đó, nó được trồng ở một góc của bãi cỏ có diện tích khoảng ba mươi mét vuông. Đối với những đứa nhỏ như Nguyên, ngần ấy đã quá đủ cho một sân bóng lý tưởng. Rất thường xuyên, Nguyên với mấy đứa bạn chia nhau làm hai đội quần thảo với một quả bóng nhựa. Ban đầu, trong những trận thư hùng như vậy, Nguyên được đám bạn cho đá tiền đạo vì có cặp chân dài. Rồi từ tiền đạo Nguyên lần lần tụt xuống vị trí tiền vệ. Và sau cùng là người chuyên đi nhặt bóng.

Bãi cỏ bây giờ không còn nữa, nó đã bị nuốt chửng bởi một cái sân xi măng mở rộng làm bãi đậu xe của một siêu thị nhỏ. Đang có một đợt rét bất thường. Một người phụ nữ bước đi co ro, hai tay khoanh trước ngực. Mỗi lần có một cơn gió thổi qua, bà ta đứng lại, tay giữ váy và khăn trùm đầu, trông giống như một cánh buồm đang được quấn chặt vào thân cột.

Nguyên không mua gì ở siêu thị. Anh đảo qua mấy vòng các quầy hàng cho có lệ rồi trở ra ngoài đứng nhìn bâng quơ. Trời lạnh, cửa kính đóng, nhân viên bảo vệ đứng hết bên trong.

Trong tiếng gió rít qua khoảng trống của bãi đậu xe, Nguyên tưởng như vẫn nghe thấy bên tai tiếng hò hét của đám bạn trên bãi cỏ và trận bóng vẫn chưa thể kết thúc.

Tỷ số hiện thời đang là 1-2. Phần thắng tạm thời nghiêng về đám thằng Hưng lác. Bao giờ cũng vậy, bên của Nguyên thường khởi đầu chậm chạp và bị dẫn trước. Thằng Hưng lác học bình thường, có tháng bị đội sổ, nhưng một khi đã ra sân bóng thì không một ai có thể qua mặt được nó. Không biết có phải vì nhà nó ở gần sân vận động, được thường xuyên tận mắt thấy các danh thủ biểu diễn hay không, mà nó có đôi chân dẻo như cao su, dắt bóng, vờn bóng thật điệu nghệ. Trong khi đó thì ngược lại, ở bên Nguyên chẳng có lấy một đứa nào chơi nổi bật; chỉ được cả bọn chơi khá đều và sẵn sàng va chạm.

Bây giờ Hưng lác đã lừa qua được một đứa, rồi qua thêm một đứa nữa trước khi chuyền bóng cho đồng đội đang chạy bên cánh trái, sau đó nó di chuyển luồn lách tìm chỗ trống để nhận lại bóng. Bóng đã được đưa trở về chân Hưng lác. Mắt nó đang liếc về phía khung thành. Hưng lác chuẩn bị sút.

Sút!

Nhưng lần này quả bóng đã nằm gọn trong tay Nguyên.

Tiếng vỗ tay. Một người đàn ông đứng bên ngoài hàng rào ngăn cách công viên với đường lộ tán thưởng pha bóng vừa rồi. Tuy nhiên, có vẻ như không ai chú ý đến ông ta và trận bóng lại được tiếp tục.

Sự hiện diện của người đàn ông đã quá quen thuộc với bọn trẻ đến mức gần như mặc nhiên, cả tiếng vỗ tay đó của ông nữa. Ông thường có mặt mỗi lần chúng ra đây chơi. Ông hò reo cổ vũ mỗi khi có bóng dẫn xuống cầu môn hoặc xuýt xoa tiếc cho một cú đá hỏng như một cổ động viên trung thành và vô tư nhất cho cả hai phe. Nhiều khi ông còn mang theo cả bánh kẹo để phân phát cho các cầu thủ cuối mỗi trận đấu.

Người đàn ông ấy là ai? Ở đâu? Đám trẻ không một đứa nào biết và thật sự chúng cũng chẳng buồn đoái hoài đến. Chỉ có một lần duy nhất chúng xì xào bàn tán. Đứa khơi mào là Hải. Nó nghi ngờ trong bánh có thuốc độc các thứ. Nó nói mẹ nó dặn không được ăn bất cứ thứ gì ngoài đường, nhiều trẻ con đã bị co giật, sùi bọt mép không kịp cứu. Trong lúc thằng Quang, thằng Nam sáu ngón, thằng Hưng lác thì nghĩ ông ta có thể là một mẹ mìn, chuyên dụ dỗ con nít bán qua biên giới.

Nguyên bắt đầu chột dạ và hơi lo sợ. Lỡ bọn chúng nói đúng thì sao? Nhưng tốt nhất là cứ giữ im lặng, không nên hé môi cho bất kỳ ai trong nhà hay biết, nhất là ba mẹ.

Sau hôm đó, tự động bọn chúng không đứa nào đến gần người đàn ông ấy nữa.

*
Lần cuối cùng Nguyên gặp ông ấy là vào cuối mùa hè năm lớp bảy, cách ngày tựu trường hơn hai tuần lễ.

Lần đó thành phố bất ngờ bị một trận dịch đau mắt đỏ tấn công. Rất nhiều người phải đeo kính râm khi ra đường và cố hết sức tránh bắt tay nhau, khi có thể. Quang cảnh dễ làm người ta liên tưởng đến một cuốn phim giả tưởng những năm 1990 về một xứ sở nào đó bên ngoài trái đất. Nguyên đang trên đường trở về nhà từ phòng nha sĩ cùng với cha mình. Nguyên vừa mới nhổ một cái răng sâu ở hàm trên. Thuốc tê chưa tan đi hết, Nguyên không thấy đau nhưng khó chịu vì một bên mặt tê cứng không có một chút cảm giác. Thỉnh thoảng Nguyên lại gõ gõ mấy đầu ngón tay lên má. Ba Nguyên với một vẻ mặt trầm ngâm đi bên cạnh. Ông không nói gì từ lúc bước ra khỏi phòng khám răng đến giờ. Nguyên nhớ lại hành động của mình lúc nãy khi vừa mới nhìn thấy ông nha sĩ đưa cây kềm vào miệng: hai tay bấu chặt vào tay ghế, cổ căng cứng, cả người gồng lên để chuẩn bị đối phó với một cơn đau khủng khiếp nhất sắp sửa đến khiến ông nha sĩ phải vỗ vỗ vào vai Nguyên trấn an: "Đừng căng thẳng như thế, cậu bé. Thả lỏng người ra nào". Rồi khi cái lạnh của kim loại từ cây kềm bắt đầu lan tỏa từ môi ra cả hàm và một bên mặt cũng là lúc Nguyên nghe thấy âm thanh lạo xạo của chiếc răng đang từ từ bị lôi ra khỏi miệng. Điều kỳ quặc là lúc ấy Nguyên có cảm tưởng những âm thanh đó như đang vọng đến từ một cái hàm của ai khác chứ không phải của chính mình. Cho đến khi ông nha sĩ chìa chiếc răng sâu ra trước mặt cho xem mà Nguyên vẫn cứ thấy nó như một vật hoàn toàn xa lạ và ngạc nhiên không hiểu làm sao nó lại có thể khiến cho mình đau đớn đến ngần ấy. Tất cả những nỗi lo lắng, sợ sệt đó đã lùi xa, thật xa vào dĩ vãng, không để lại cho dù một chút dấu vết và, cũng giống như một người vừa hoàn thành xong một công việc vượt quá sức mình, trong lòng Nguyên lúc đó chỉ còn mỗi một cảm giác nhẹ nhõm, khoan khoái.

Đến cửa hàng tạp hóa của một người Ấn Độ, ba Nguyên bước vào mua thuốc lá. Ông hỏi mua thêm một lọ keo và mấy cây cọ. Trong lúc ông chuyện trò với người chủ cửa hàng, Nguyên ngó bâng quơ ra bên ngoài và bất chợt thoáng thấy ông ta đi qua. Tò mò, Nguyên nhanh chân bước ra cửa dõi theo.

Ông đứng ở một ngã tư, có vẻ như đang chờ tín hiệu đèn để băng qua phía bên kia đường. Dòng xe vẫn chạy trước mặt ông không ngớt. Ông đeo một cái túi vải to trên lưng, tay phải cầm mấy cái khung gỗ và cũng như nhiều người ngày hôm đó, ông đeo một cái kính râm đen. Chỉ có mỗi mình ông đứng đợi phía bên này. Rồi Nguyên thấy ông bất thình lình rảo bước qua đường trong lúc vẫn chưa có tín hiệu đèn dành cho người đi bộ. Một chiếc xe vừa trờ tới phải vội thắng gấp. Người tài xế thò nửa người qua cửa chửi với theo. Ông vẫn cứ tiếp tục lầm lũi rảo bước như không hề có chuyện gì xảy ra. Khi người tài xế vừa ngồi xuống xe của mình thì đèn dành cho người đi bộ cũng vừa bật sáng. Đám người từ phía bên kia đường đi ngược chiều lại vây lấy ông vào giữa, một lúc sau Nguyên chỉ có thể thấy được một phần thân trên của ông và cái túi vải.

"Cái gì thế?", ba của Nguyên bước ra hỏi.

"Không có gì ạ".

Khoảng một tháng sau lần gặp tình cờ ấy, Nguyên hay tin ông chết. Nguyên nhìn thấy ảnh ông đăng trên các mặt báo. Đó là một vụ án mạng bi thảm nhất mà người ta được biết đến. Thi thể ông bị chặt ra làm nhiều khúc nhét vào trong tủ lạnh và lúc bị mất điện mùi hôi thối từ trong nhà ông bốc ra đã làm cho hàng xóm nghi ngờ đi báo nhà chức trách. Cũng qua báo chí, Nguyên lúc đó mới biết ông là một họa sĩ và là người đồng tính. Người ta nghi ngờ đây là một vụ án mạng vì tình và hung thủ là một trong số những người bạn tình của ông.

*
Trước khi đi, Ngọc hỏi:

"Anh có biết vấn đề của anh là gì không?".

"Là gì?".

"Anh tỉnh táo một cách đáng sợ".

Ngọc đi được mấy ngày, Nguyên cũng xin nghỉ phép và trở về với nơi đã lớn lên của mình. Cô có gọi điện thoại cho anh một lần khi đặt chân đến nơi ở mới, "Nhà ở tiện nghi, hai phòng ngủ và phòng khách. Có một cái khoảnh vườn nhỏ nữa. Khí hậu mát mẻ...".

Căn nhà cũ hiện thời chỉ còn mẹ và vợ chồng đứa em trai của Nguyên ở. Ba Nguyên đã mất. Phòng ngủ của anh ngày xưa bây giờ đã trở thành phòng ngủ của đứa cháu. Buổi tối đầu tiên anh ngủ chung với nó. Nguyên muốn hít thở trong bầu không khí thơ ấu.

Đứa cháu đang học lớp ba. Nó khoe với anh những bức tranh nó vẽ trong lớp: những chiếc máy bay, phi thuyền không gian, cô giáo và những đứa bạn, thành phố với những tòa nhà nhiều tầng, những chiếc xe nối đuôi nhau chạy bên ngoài công viên.

Chung quanh giường có khá nhiều thú nhồi bông, mỗi con có một tên riêng do nó đặt. Nguyên thấy một con khủng long màu xanh dài bằng nửa cánh tay của anh thè lưỡi đỏ chót. Anh hỏi, nó nói tên là Bạo Chúa. Nguyên nằm bên cạnh nhìn cháu ôm con gấu bông vào lòng ngủ say sưa rồi anh cũng thiếp đi lúc nào không hay. Lần đầu tiên anh mới có một giấc ngủ sâu và dài như thế.

Buổi sáng ồn ào hơn Nguyên tưởng. Tiếng còi xe và hơi nóng ngột ngạt làm cho anh thức giấc. Anh bước ra ngoài ban công nhìn xuống con hẻm nhỏ. Anh nhìn ô cửa kính trên gác và bất giác nhớ lại hồi nhỏ có lần chứng kiến một con chim bị lóa đã đâm đầu vào đó ngã lăn ra đất. Lúc ấy, Nguyên nghĩ con chim chỉ bị choáng bèn bắt chước những phim hành động vẩy nước lên đầu nó để lay tỉnh và khi chưa thấy có dấu hiệu gì khả quan, Nguyên hắt hết cả ly nước vào người nó. Kết quả là con chim chẳng bao giờ thức dậy được nữa.

Không biết từ đó đến giờ có thêm con chim nào nữa cùng chung cảnh ngộ? Nguyên nghĩ chỉ có cách làm một cái rèm che bên trong thì mới có thể hạn chế bớt ánh sáng khúc xạ.

Post By : Mr.Mika Nguyễn

Các tin cũ hơn



Hỗ trợ khách hàng

Tổng lượt truy cập:

20,857,531

Truy cập hôm nay:

395

Đang trực tuyến:

18