logo-zalo.png

, Ngôn ngữ:

Việt Nam | English

Những tình huống bất ngờ khi chụp ảnh cưới


Đang làm dáng để chụp kiểu "Vợ chồng mình cùng ôm" trên cầu Long Biên (Hà Nội), bỗng từ xa đoàn tàu hỏa rú còi rầm rập lao tớí, trong lúc vội vã chiếc váy trắng dài của cô dâu bị mắc ở đường ray...

Cầu Long Biên 100 tuổi, biểu tượng của thủ đô Hà Nội, từ lâu trở thành điểm chụp ảnh cưới. Các đôi uyên ương rất thích chụp ảnh ôm nhau ngồi trên đường ray, hay dắt nhau đi, với hậu cảnh là đường ray dài tít tắp phía sau tượng trưng cho con đường còn rất dài và rất xa mà cô dâu chú rể phải đi tiếp.

Cảnh đẹp, ý tưởng hay, nhưng để có được chúng, anh Xuân và chị Hà ở Đội Cấn, Hà Nội, suýt phải trả giá đắt. Anh kể, để cho thật lãng mạn và dân dã, anh chị quyết định trèo ra giữa đường ray xe lửa chụp ảnh. Khi đang làm dáng để chụp kiểu "Vợ chồng mình cùng ôm", bỗng nhiên từ đằng xa đoàn tàu hỏa rú còi rầm rập lao tới.

Cả đoàn chụp ảnh lẫn cô dâu chú rể vội vàng ôm đồ nghề chạy thật nhanh sang bên đường dành cho xe cơ giới. Khi trèo qua dải phân cách, chiếc váy dài của cô dâu bị mắc ở đường ray. "Xe lửa sắp đến mà gỡ váy cho vợ thì lộ hết hàng. May mà cô bé trang điểm mạnh dạn xé toạc chân váy, tôi bế xuống vừa kịp lúc xe lửa vọt qua. May mà thoát chết", anh Xuân kể lại.

Công viên Bách Thảo, Hà Nội, nơi được giới trẻ gọi là "khu vườn tình yêu", cũng thu hút rất đông cô dâu chú rể đến chụp ảnh kỷ niệm. Cây cầu bắc qua hồ nước trong công viên dài chưa tới 20 m, nhưng có tới 4 cặp chụp ảnh.

"Người nọ chụp được thì lại bị chắn đường ảnh của người kia. Không ai chịu nhường ai, vậy là các cô dâu vừa tươi cười cho phó nháy chụp ảnh, đã quay ra đấu khẩu. May là họ chưa đến mức động chân động tay", anh bảo vệ công viên, cho biết.

Trong công viên có rất nhiều thanh thiếu niên chơi bóng. Chị Giang ở Bạch Mai kể, hôm đó, chị cùng chồng sắp cưới đang nằm trên bãi cỏ tạo dáng cho bác phó nháy thì "bốp", mặt chị méo xệch, đầu choáng váng. Chiếc khăn voan cài đầu rơi xuống. Thủ phạm hóa ra là một cậu bé lớp 4 chơi bóng gần đó. Chồng chị vừa bực, vừa lo cho vợ, nhưng thấy thủ phạm rối rít xin lỗi nên cũng không nỡ mắng.

Tưởng chỉ xui một lần, ai ngờ hôm đó chị Giang còn bị trẹo chân, đành phải hoãn buổi chụp. "Là vận động viên điền kinh, quanh năm chỉ quen đi giày thể thao với dép sandal, hôm chụp ảnh cưới, tôi phải diện đôi giày 10 cm. Đi không quen nên bị trẹo, chân sưng tấy", chị Giang kể lại.

Với nhiều cây xanh, lại có các kiểu nhà của người dân tộc thiểu số, Bảo tàng dân tộc học trở thành điểm đến của nhiều đôi chụp ảnh cưới. Anh Huy và chị Hòa ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai) đi chụp ảnh cưới ở vào trung tuần tháng 9, khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 35 độ C. Chú rể phải khoác lên mình tới 3 áo, sơ mi bên trong, gilê và áo vest bên ngoài. Hai má anh được đánh phấn để cho bắt nắng và trắng hồng.

Xui một nỗi chú rể bị ra nhiều mồ hôi. Đứng yên giữa trời nắng, chốc chốc chú rể lại đưa hai vai áo lên thấm mồ hôi mặt. Phấn từ mặt thôi ra hai vai áo loang lổ khiến bác phó nháy bực mình, bắt chủ rể đi thay áo khác. Cô dâu chỉ biết đứng một chỗ mà phụng phịu, mồm lẩm nhẩm "Có thế mà cũng không chịu được, toàn bắt người ta đợi".

Một cặp khác đến bảo tàng chụp ảnh vào ngày cuối tuần nắng đẹp. Nhưng trước đó hai ngày, trời mưa to, khoảng sân rộng trước ngôi nhà của người Kinh phủ nhiều rêu nên khá trơn. Trong lúc chụp ảnh, chú rể có điện thoại nên vội chạy ra chỗ khác nghe. Bác phó nháy và cô dâu liên tục giục, chú rể vội vàng chạy tới để tiếp tục tạo dáng. Qua đoạn giữa sân, anh trượt chân ngã bổ nhào.

Cả đoàn chụp ảnh lẫn thợ trang điểm và cô dâu vội vàng chạy lại đỡ chú rể. May mắn anh không bị làm sao, nhưng bộ vét trắng giờ đã lấm len bùn và rêu. Chị thợ phụ trách trang điểm cười khúc khích đùa chú rể: "Sắp lấy vợ đến nơi rồi mà cứ như trẻ con, vội quá là hỏng hết đấy em ạ".

Q. Thông - Post By Mika Nguyễn

Các tin cũ hơn



Hỗ trợ khách hàng

Tổng lượt truy cập:

20,852,762

Truy cập hôm nay:

15

Đang trực tuyến:

22