Cô dâu nào cũng mong muốn chiếc áo cưới của mình độc nhất, lạ nhất, và xinh tươi nhất. Một trong những giải pháp tốt là “cách điệu” từ một chiếc váy cưới bình thường.
Bài viết này chia sẻ với bạn những phần căn bản của một chiếc áo cưới, để từ đó bạn “cách điệu” cho nó một cách khoa học và phù hợp nhất cho chiếc váy xinh đẹp của mình.
PHẦN 1: DÁNG ÁO
Có nhiệm vụ ôm lấy những đường cong trên cơ thể bạn. Một dáng áo cưới tốt sẽ giúp bạn che đi những khuyết điểm và làm nổi bật những nét tuyệt mỷ của thân hình.
Dáng tròn: ôm sát người với đường eo cong, dẫn tới một phần chân váy xòe rộng (như kiểu đầm dạ tiệc của công chúa trong truyện cổ tích).
Dáng chữ A: có đường nối từ vai xuống chân áo, tạo thành hình chữ A.
Dáng váy eo chít ngang ngực: đường eo cao (ngay dưới chân ngực), rồi tới phần chân váy mảnh, độ xéo vừa phải và không bó sát thân người.
Dáng chẽn: gần giống với form chữ A, nhưng bó sát các đường cong cơ thể, khá khó tính, chỉ thích hợp với những người có thân hình chuẩn.
Dáng đuôi cá: phần trên trên giống dạng chẽn, rồi xòe rộng từ đầu gối kéo dài ra sau như đuôi cá.
Có thể bắt gặp đây đó những dáng áo cưới không định hình một form cụ thể như những liệt kê ở trên. Lúc đó áo cưới không chỉ dừng lại ở “cách điệu” mà trở thành “phá cách”.
PHẦN 2: ỐNG TAY ÁO
Ống tay kiểu T-shirt: hình dáng giống tên gọi, lửng, dài tối đa khoảng ¼ chiều dài cánh tay, giống tay áo thun mà bạn thường mặc. Kiểu áo cưới này thích hợp với những cô dâu muốn che đi một phần cánh tay nhưng không muốn phủ kín tất cả.
Tay hến: ngắn hơn kiểu T-shirt, nhưng lại tròn và bồng bềnh, nên trông có vẻ lộ tay nhiều hơn. Nếu bạn tự tin vào làn da mịn màng, thon thả của mình thì đây là một gợi ý tốt.
Tay chớm vai: ngắn hơn tay hến. Kiểu này tay áo chỉ vửa chớm ra ngoài bờ vai một chút. Thoải mái cho người mặc nhưng vẫn tạo cảm giác kín đáo. Có khá nhiều cô dâu chuộng kiểu áo cưới này khi làm lễ trong nhà thờ, vừa đảm bảo lề luật nơi tôn nghiêm, vừa thoải mái, ung dung.
Tay dài: không thể nào cổ điển hơn nếu bạn chọn cánh tay này. Có thể kéo dài tới tận cổ tay hoặc khuỷu tay.
Áo dây: độ rộng của hai dây (hoặc một dây) có thể khác nhau tùy kiểu thiết kế của váy. Thích hợp cho những cô dâu có cánh tay đẹp, mịn và muốn mình mong manh hơn trong ngày cưới.
Áo không tay: rất phổ biến. Thật sự theo quan sát của tôi, áo không tay rất tiện lợi, thanh mảnh và đầy nữ tính, nhưng bạn phải thận trọng khi chọn nó vì 3 nhược điểm sau (1) Có khi không phù hợp nếu bạn làm đám cưới trong nhà thờ (2) Nếu bạn không có vòng 1 thon, căng tròn, xương cổ và xương ngực nhỏ thì đôi khi kiểu áo không tay có thể làm nổi lên những khuyết điểm này (3) Nguy cơ gặp “tai nạn” cao hơn so với những kiểu tay áo trên.
PHẦN 3: THÂN TRÊN
Đây là phần nối giữa cổ áo và chân váy. Đối với đa phần, nó có tác dụng tôn vinh vòng 1 và tạo điểm nhấn cho những đường cong của cơ thể (và chắc là đúng như thế thật!):
Kiểu giống áo nịt ngực: đây là kiểu thân trên bó sát người, kết thúc bằng đường chặn ngang eo và dây buộc.
Kiểu eo chít ngang ngực: thân áo kết thúc ngay dưới phần chân ngực. Dáng eo chít ngang ngực thích hợp với nhiều dáng người.
Thân áo kiểu đeo dây qua cổ: là kiểu thân trên không tay và được buộc chéo vòng qua cổ, có loại không có hẳn thân sau, làm nổi bật bờ vai là chiếc lưng thon của cô dâu.
Thân ôm sát eo: thân trên vừa sát quanh ngực và kết thúc tại eo. Đây là kiểu truyền thống thường thấy.
Kiểu bà hoàng: có hai đường cắt dọc từ thân xuống ngực tạo dáng mảnh mai, cao ráo.
PHẦN 4: ĐƯỜNG VIỀN CỔ
Chiếc áo cưới của bạn có lộng lẫy hay không, có ấn tượng hay không, phải nhờ rất nhiều vào đường viền cổ áo. Đây cũng là phần có nhiều sự “cách điệu nhất” từ trước đến nay trong lịch sử áo cưới:
Vai trần: cổ áo nằm thấp dưới vai, để lộ xương cổ và bờ vai thon, hai tay thưởng chỉ che một phần nhỏ cánh tay trên. Đây là kiểu truyền thống, hợp với nhiều dáng người.
Cổ tim: hình giống nữa trên của trái tim, có thể làm nổi bật vòng 1 đầy đặn của bạn.
Cổ thuyền: đường cổ lượn cong ngay dưới xương cổ, đi qua hai bờ vai. Cổ thuyền có thể kết hợp với có tay hoặc không tay đều được.
Cổ treo: cổ áo dạng này dành cho kiểu váy có dây buộc, hoặc quàng qua cổ, tạo đường nách sâu.
Cổ chữ U: dạng cổ điển, không kén người mặc. Bạn có thể tạo sự khác biệt một chút bằng việc kéo dài hoặc thu ngắn phần chữ U của thân sau.
PHẦN 5: ĐUÔI ÁO
Có độ dài ngắn khác nhau tùy theo kiểu dáng, và sở thích của cô dâu. Bạn cũng nên xem xét với ngữ cảnh sử dụng khi chọn kiểu đuôi áo (ví dụ: áo cưới đuôi dài thích hợp với việc chụp ảnh, làm lễ, nhưng lại trở thành cái bẫy cho chính bạn khi phải lê theo một cái đuôi dài thượt lượt đi chào từng khách ở tiệc cưới)
Về cơ bản là thế. Có những chuẩn mực chính, rồi sau đó tùy sở thích, thân hình, phong cách mà bạn có thể chế biến để có được một chiếc áo cưới tuyệt vời cho riêng mình. Các chuyên gia sẽ mang đến cho bạn những lời khuyên quý giá, và chính bạn sẽ phải quyết định chọn bao nhiêu % trong hàng lô hàng lốc các lời khuyên ấy! Quan trọng là bản thân bạn phải cảm thấy phù hợp, và phải là chính mình khi khoác lên mình một bộ váy cưới.
Nguồn: sưu tầm