logo-zalo.png

, Ngôn ngữ:

Việt Nam | English

Độc tố trong tình yêu


Khi yêu, họ có hàng trăm mỹ từ thân thương để gọi nhau. Nhưng khi là vợ chồng, vì những bất đồng nho nhỏ, họ có thể tuôn hàng tràng những từ xúc phạm, làm tổn thương, hạ thấp lòng tự trọng của nhau.

Buồn vì cách xưng hô

Nhà tâm lý người Mỹ Dale Carnegie đã từng khuyên: “Muốn xây dựng hạnh phúc gia đình vợ chồng phải trọng nhau như khách quý”. Những ngôn từ thiếu lịch sự trong cách xưng hô cũng sẽ làm tình yêu phai nhạt, chứ chưa nói là những cuộc “đấu khẩu” dài triền miên trong gia đình.

Nhưng nhiều cặp vợ chồng có vẻ như chưa ý thức được điều đó. Ông Nguyễn Văn Tuyên, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội buồn bã kể về cuộc hôn nhân không như ý muốn của mình: Hai vợ chồng tôi năm nay đã ở cái tuổi ngoài 60. Con cái đã lớn, cháu nội cháu ngoại đủ cả.

Mỗi lúc vợ chồng cãi nhau là tôi lại thấy vô cùng xấu hổ với con cháu, hàng xóm láng giềng. Vợ tôi là người nóng nảy, lại là dân buôn bán chợ búa, khi cãi nhau với chồng, bà ấy xưng “tao- mày”, “con này - thằng nọ” với chồng, rồi còn bằng rất nhiều từ khó nghe khác.

Bao năm qua, nhiều lần tôi góp ý thì bà ấy lại làm toáng lên: “Tao thế đấy, khó nghe thì đi kiếm con khác nó hầu hạ cho”. Hồi trẻ đành nhắm mắt cho qua, giờ có tuổi rồi, cách xưng hô ấy chối tai quá.

Còn chị Vân, nhà ở đường Hoàng Quốc Việt thì không nhớ nổi bao nhiêu lần chồng gọi chị bằng “mày” xưng “tao”.Chị Vân kể, có lần đi làm về, chưa kịp dọn cơm, chị đã bị mắng xơi xơi: “Mày làm gì mà giờ này còn chưa nấu cơm, định để tao chết đói chắc”. Lần đầu khi nghe chồng nói vậy chị thấy rất buồn, tủi thân, chỉ biết khóc. Chị góp ý với chồng nhưng anh ấy cũng chẳng thèm để ý, sửa đổi. “Nghe riết thì... quen tai, nhưng nghĩ lại thì thấy chạnh lòng, tủi phận, vợ chồng vì thế mà thiếu tôn trọng nhau” - chị Vân buồn bã nói.

Xưng hô thể hiện tình cảm Nhiều người cho rằng khi vợ chồng hoà thuận thì không sao nhưng khi đã xảy ra “chiến tranh” thì gọi nhau như thế nào cũng không hả. GS.TS Nguyễn Văn Khang, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết, trong tiếng Việt có khá nhiều từ xưng hô để gọi tên quan hệ vợ chồng rất tinh tế. Bên cạnh các đại từ dùng để xưng hô như: “mình – tôi”, “anh- em”, “bu nó”, “bà xã- ông xã”... thì có thể dùng “bố - mẹ” (thay vai con).

Nhưng vì những mâu thuẫn, hoặc tức giận, các từ này không được sử dụng mà thay vào đó các đại từ nhân xưng khá tục tằn “tao – mày”; “tôi- cô”, thậm chí là “con” này, “thằng” nọ... Theo ông Khang, xưng hô giữa vợ chồng có vai trò đặc biệt trong việc gìn giữ hạnh phúc. Xưng hô có thể làm mâu thuẫn được giải toả và cũng có thể làm “giãn cách” quan hệ vợ chồng, nhất là vào những thời điểm “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”.

Những lúc ấy một tiếng xưng “anh” của chồng với vợ, hay một tiếng xưng “em” của người vợ với chồng sẽ giúp cho “lòng ta dịu lại”, khoảng cách như được xoá tan. Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hoà Bình, Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, khi vợ chồng tức giận nhau, họ có thể không giữ được bình tĩnh và có những cách xưng hô làm người kia cảm thấy không được tôn trọng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Đây có thể do cách giáo dục của gia đình, hoặc là do áp lực công việc, cuộc sống căng thẳng... Nhưng dù là nguyên nhân gì thì cũng sẽ làm cho hạnh phúc giảm đi, tình yêu thương dành cho nhau mai một. Đó là chưa kể, việc xưng hô khiếm nhã còn gợi lên sự thiếu văn hoá trong gia đình, ảnh hưởng xấu đến nhân cách với con cái.

Chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể, Giám đốc Trung tâm tư vấn Hoàng Nhân cho biết: Vợ chồng chung sống với nhau nhiều khi bất đồng quan điểm, cãi vã nhau cũng là chuyện bình thường. Điều quan trọng là sau khi cãi vã, họ tìm ra được hướng giải quyết và giúp họ có thể hiểu nhau hơn.

Tuy nhiên, khi vợ chồng xảy ra cãi vã, dù có tức giận nhau thế nào đi nữa thì tuyệt đối không nên dùng những lời lẽ như “cô- tôi”, “mày- tao”... để xưng hô với nhau.

Như vậy là thiếu tôn trọng nhau, gây sứt mẻ tình cảm. Nếu chuyện đó diễn ra thường xuyên sẽ làm tình yêu dần bị phai nhạt, làm giảm ý thức xây dựng cuộc sống gia đình từ hai phía.

Mục đích hôn nhân không đạt được, có thể dẫn tới ly hôn. Vợ chồng xưng hô thiếu tôn trọng nhau không chỉ xảy ra ở nông thôn mà ngay cả ở thành thị.

Từ vợ chồng có học vấn thấp đến học vấn cao đều vấp phải. Theo ông Mã Ngọc Thể, điều nguy hiểm là khi cãi nhau, vợ chồng có những cách xưng hô thiếu tôn trọng nhau trước mặt con cái sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của con.

Con cái rất dễ bị ảnh hưởng những ngôn ngữ đó từ cha mẹ. Và rồi nó cũng sẽ dùng chính những ngôn ngữ đó với bạn bè, với đồ chơi hay với cả những người xung quanh. Vì vậy, dù khi cơn giận “bốc” lên ngút trời, thì các bậc cha mẹ nên thận trọng khi giao tiếp, ứng xử...

Theo Gia đình & Xã hội -Post by Mika Nguyen

 

Các tin cũ hơn



Hỗ trợ khách hàng

Tổng lượt truy cập:

20,857,139

Truy cập hôm nay:

222

Đang trực tuyến:

31