Hôn nhân là chuyện trọng đại ở đời. Quy luật bất biến của vũ trụ đòi hỏi con người lớn lên phải thành gia thất (trừ những trường hợp khả dĩ). Đối với các bạn trẻ, hôn nhân là bước ngoặc đánh dấu mốc quan trọng trong đời, kể từ đó họ đã khoác lên mình trách nhiệm của một công dân hoàn thiện trong xã hội, đó là vai trò người chồng hay vợ, cha hay mẹ trong gia đình. Còn đối với các bậc làm cha mẹ, cuộc hôn nhân viên mãn của con cái là niềm hạnh phúc và vinh dự lớn lao, nó cũng đánh dấu bố mẹ hoàn thành nghĩa vụ cao cả của mình là sinh thành dưỡng dục và lo cho con cái yên bề gia thất.
Trong đám cưới, người ta thường chúc đôi uyên ương “trăm năm hạnh phúc”, “bách niên hảo hợp”, “bách niên giai lão”. Nói chung luôn hướng tới sự hòa hợp và hạnh phúc lứa đôi, một nguyện vọng chính đáng, cao đẹp của muôn người. Chữ Hảo 好 trong văn tự Việt Nam cổ (tiếng Hán) có hai bộ phận, gồm bộ nữ 女 (chỉ người phụ nữ) và bộ tử 子(chỉ người con trai), nghĩa là sự hòa hợp đôi đứa. Chữ hợp 合 cũng ngụ ý cả nhà chung một lời nói (bộnhân 人ở trên ngụ ý con người (ở đây là vợ chồng, hai bên thân gia), bộ nhất一 ở giữa và bộ khẩu 口chỉ một tiếng nói chung). Trên các giấy tờ ngày trước, người ta ghi là “giá thú”, “giá” là gả, còn “thú” là cưới, vậy nên hôn nhân là chuyện hài hòa hai bên gia đình.
Đám cưới là sự kiện trọng đại, Song Hỷ của cả hai gia đình
Ngày trước, hôn nhân bị chế định bởi tư tưởng Nho giáo, thúc ước bằng các quan niệm trọng nam khinh nữ cùng với các mối quan hệ luân thường đạo lý chặt chẽ, do vậy thường rất phức tạp và có quy củ. Một đám cưới xưa thường có 6 lễ, gồm Lễ nạp thái (kén chọn), Lễ vấn danh (hỏi tên tuổi cô dâu), Lễ nạp cát (xem tuổi), Lễ nạp tệ (ăn hỏi), Lễ thỉnh kỳ (xin cưới) và Lễ thân nghênh (đón dâu), mỗi nghi lễ đều được tiến hành khá nghiêm túc. Sự thúc ước ấy hằng có ý nghĩa để đôi vợ chồng trẻ và hai bên gia đình trân trọng niềm hạnh phúc lứa đôi. Dù vậy, do những hà khắc của các quan niệm môn đăng hộ đối, nhiều đôi lứa yêu nhau đành mãi chia tay. Dân gian Bắc Bộ vẫn thường nhắc nhau sự bất hạnh của đôi tình nhân Phạm Công – Cúc Hoa, còn trong vở Lan và Điệp hay Tô Ánh Nguyệt của sân khấu Nam Bộ, sự hà khắc ấy của lễ giáo cũ đã bị lên án mạnh mẽ, những đau khổ của sự tan vỡ và hệ lụy của nó dai dẳng tồn tại đến những thế hệ mai sau. Người đời vẫn thường được nghe kể về Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, về Romeo và Julliet, vẫn thường rung động trước những mối tình éo le do chính gia đình gây nên.
Theo quan niệm truyền thống, việc kén vợ kén chồng rất quan trọng. Người Việt có kinh nghiệm “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Khi lấy vợ – gả chồng cho con, các bậc cha mẹ thường chú ý đến đức hạnh, sự hợp tuổi, gia phong của cả gia đình hai bên. Trước hôn nhân thường có tục coi tuổi để kiểm tra Tam hợp – Tứ xung.
Đến đầu thế kỷ 20, trước những biến đổi sâu sắc của xã hội và ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, lục lễ khi xưa giờ còn 3 lễ chính gồm (1) dạm ngõ, (2) lễ hỏi, và (3) lễ cưới
Nguồn: sưu tầm