Tối qua 7/4, tại nhà hàng Quốc Thanh (TPHCM), cô dâu chuyển đổi giới tính Cát Tuyền đã làm lễ cưới cùng chú rể Chinh Nhân.

" /> logo-zalo.png

, Ngôn ngữ:

Việt Nam | English

Đám cưới đầu tiên ở Việt Nam của người chuyển đổi giới tính


Ca sĩ Cát Tuyền, một trong những người đã công khai thông tin chuyển đổi giới tính vừa có quyết định sẽ "chung thân suốt đời" với nghệ sĩ Chinh Nhân bằng một đám cưới vào ngày 7/4 tại nhà hàng Quốc Thanh. Sự kiện này đang gây xôn xao không chỉ giới ca sĩ mà "thế giới thứ ba" của người đồng tính cũng bất ngờ. Bởi tuy ngoại hình Cát Tuyền giờ đã "nữ 100%" nhưng trên giấy tờ cô vẫn là nam. Đám cưới của cô liệu có bị coi là trái thuần phong mỹ tục theo quy định của quy chế về việc cưới, việc tang và lễ hội?

Cô dâu Cát Tuyền sung sướng bên chú rể Chinh Nhân

Trầy trật giấc mơ làm cô dâu...

Theo Cát Tuyền, cô khao khát một lần mặc áo cô dâu từ khi chưa sang Thái Lan chuyển đổi giới tính thành nữ. Cách đây hai năm, duyên nợ rong ruổi cho cô gặp nghệ sĩ cải lương Chinh Nhân (con trai của nữ nghệ sĩ tuồng cổ Bạch Mai). Hai người đã từng có kế hoạch tổ chức đám cưới vào cuối năm 2006. Tuy nhiên, do áp lực dư luận về giới tính của Cát Tuyền khi xảy ra sự cố "đĩa nhạc pêđê Việt Nam" và gia đình hai bên cũng không tán thành nên "đôi uyên ương" phải từ bỏ ý định làm đám cưới, về sống chung một cách âm thầm.

Đến đầu năm 2008, khi liveshow đầu tiên của Cát Tuyền được đông đảo khán giả đón nhận và cái nhìn về cô trong mắt dư luận bớt khắt khe hơn, Cát Tuyền cùng Chinh Nhân quyết định thuyết phục gia đình lần nữa để được tổ chức đám cưới cho đúng phong tục. "Nếu chờ lâu hơn nữa, tôi sợ mình không còn kịp để mặc áo cô dâu. Cuộc đời của một người đã chuyển đổi giới tính như tôi ngắn lắm. Năm nay đã ngoài ba mươi, vài năm nữa sức khỏe và trí nhớ của tôi sẽ suy giảm rất nhanh. Thà cưới sớm để thực hiện ước mơ làm cô dâu của mình rồi có chết tôi cũng thấy mãn nguyện..." - Cát Tuyền tâm sự.

Nghệ sĩ Chinh Nhân cho biết đám cưới của anh và Cát Tuyền không chỉ là một nghi thức truyền thống mà còn là dịp để anh muốn mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn về giới tính của vợ chồng anh. "Chúng tôi là những người hoàn toàn bình thường thì tại sao lại không thể có một hôn nhân bình thường như bao người?" - Chinh Nhân nói.

Đám cưới không hôn thú

Cát Tuyền cho biết trước khi chọn ngày cưới, cô và Chinh Nhân đã đi đăng ký kết hôn nhưng bị cơ quan hộ tịch từ chối. "Họ giải thích vì tôi tuy đã chuyển đổi giới tính nhưng trên hộ khẩu vẫn còn ghi nam nên không thể cho nam kết hôn với nam được" - Cát Tuyền nói.

Đám cưới tại nhà hàng Quốc Thanh (Ảnh: Tiền Phong)

Cũng theo trình bày của Cát Tuyền, mặc dù passport, tờ khai cấp mới chứng minh thư của cô đã ghi giới tính là nữ nhưng trên hộ khẩu vẫn còn là nam. Chính vì vậy mà đã năm lần bảy lượt cô lên thành phố Mỹ Tho (Cát Tuyền quê ở Tiền Giang) để xin sửa đổi nhưng không được. "Họ cũng công nhận tôi đã là nữ nhưng từ chối giải quyết vì luật chưa có quy định" - Cát Tuyền cho biết. Do còn trục trặc thủ tục đăng ký kết hôn nên Cát Tuyền buộc lòng phải cân nhắc nhiều thứ để đám cưới được diễn ra suôn sẻ. "Ban đầu tôi với anh Chinh Nhân tính mời chín người bạn đã chuyển đổi giới tính như tôi làm dâu phụ nhưng sợ bị nói bậy bạ nên thôi. Chúng tôi cũng sẽ không tổ chức rước dâu, ngay cả khách mời cũng rất giới hạn để tránh điều tiếng" - Cát Tuyền kể.

Đám cưới "nhạy cảm" có bị phạt?

Trao đổi ngày 4/4, tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương, giảng viên khoa Luật dân sự trường đại học Luật TP.HCM, cho biết đám cưới chỉ là một phong tục tập quán, ai thích thì làm. Pháp luật không buộc phải có đám cưới thì mới được coi là vợ chồng. "Đám cưới là quyền của mỗi người. Nếu cùng với đám cưới họ có đi đăng ký kết hôn thì pháp luật sẽ công nhận là vợ chồng, còn như chỉ lấy nhau trên thực tế bằng một đám cưới thì đó là việc sống chung của hai công dân, pháp luật không can thiệp. Dĩ nhiên họ sẽ không có được những quyền và nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định cho vợ chồng..." - TS Hoài Phương nói. Cũng theo TS Hoài Phương, Cát Tuyền mặc dù trên giấy tờ còn mang giới tính nam nhưng thực tế cô đã là nữ nên đám cưới của cô với Chinh Nhân không thể coi là "bệnh hoạn" như nhiều đám cưới "chui" của người đồng tính nam và nam khác. "Trên thực tế, dư luận cộng đồng đã công nhận Cát Tuyền là nữ thì cần phải tạo điều kiện để cô ấy sống đúng với giới tính thực tế của mình" - TS Hoài Phương nói.


Họ cũng rót sâm banh mừng hạnh phúc như bao cô dâu chú rể

 

Các vũ công múa mừng đám cưới (Ảnh: Tiền Phong)

Theo luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn luật sư TP.HCM), mặc dù pháp luật chưa quy định rõ ràng về cải chính giới tính. Tuy nhiên Cát Tuyền có thể gửi đơn cho Bộ Tư pháp để xin được cải chính lại giới tính trên hộ tịch. Sau khi đã được sửa đổi cho thống nhất giới tính nữ, cơ quan hộ tịch sẽ cho cô đăng ký kết hôn. "Về nguyên tắc, đám cưới chỉ diễn ra sau khi đã đăng ký kết hôn nhưng nếu chưa đăng ký mà đám cưới thì cũng không ai đến phạt vạ gì. Trừ khi tổ chức gây mất trật tự an ninh, vi phạm quy chế về việc cưới, việc tang và lễ hội thì mới có thể bị xử lý" - luật sư Hòa nói.

(Theo PL TPHCM)

Các tin cũ hơn



Hỗ trợ khách hàng

Tổng lượt truy cập:

20,858,747

Truy cập hôm nay:

779

Đang trực tuyến:

15