Khác biệt với người miền Trung cũng như những địa phương ở miền Bắc, người miền Nam không quá câu nệ về các lễ nghi như người miền Trung hay yêu cầu các vật phẩm lớn và cầu kỳ như người miền Bắc. Lễ ăn hỏi theo phong tục miền Nam đơn giản cả trong lễ nghi và các vật phẩm. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người miền Nam không có những quy chuẩn riêng cho mâm lễ vật ăn hỏi của mình.
Những lễ vật không thể thiếu
Mâm lễ 3 miền đều có điểm chung về các lễ vật như trầu cau; rượu, thuốc lá và chè… đây dường như là những lễ vật không thể thiếu được, là những lễ vật cơ bản nhất cho một lễ ăn hỏi. Dù là lễ ăn hỏi nhỏ hay lớn thì những lễ vật này cũng phải được nhà trai chuẩn bị kỹ càng và tươm tất trong số tráp chẵn mà nhà gái yêu cầu.
Khác với phong tục của người miền Bắc, ở lễ ăn hỏi miền Nam, nhà gái thường yêu cầu số lượng tráp lễ là số chẵn và hầu hết thường yêu cầu 6 tráp. Bởi với người miền Nam, số 6 là biểu tượng cho tài lộc, may mắn và hạnh phúc. Một điểm cần phải đặc biệt lưu ý là số vật phẩm trong các tráp lễ phải là số lẻ. Đây chính là biểu tượng cho sự sinh sôi, lớn lên và hình thành gia đình trong sự đầm ấm, tài vượng. Người miền Nam cũng quan niệm, đám hỏi là việc nhà trai đem tài lộc đến để có thể rước người con gái (hay là rước hạnh phúc) về cho gia đình mình.
Những lễ vật mang đậm chất Nam bộ
1. Bánh phu thê- thể hiện sự gắn kết các cặp đôi
Thay vì chọn bánh cốm, bánh chưng – bánh dày như lễ ăn hỏi miền Bắc thì người miền Nam chọn bánh phu thê hay còn gọi là bánh xu xê. Chiếc bánh phu thê gồm có hai phần tượng trưng cho âm và dương, vợ và chồng để thể hiện sự gắn kết keo sơn của đôi nam nữ. Chiếc bánh phu thê với sự chúc phúc thành đôi hay sự se duyên vợ chồng dành cho cặp đôi đã trở thành một lễ vật không thể thiếu trong tráp ăn hỏi của người miền Nam.
2. Gà quay, lợn quay, xôi, hoa quả – biểu trưng cho sự thịnh vượng
Nếu người miền Bắc và miền Trung không quy định lễ vật phải có gà hoặc lợn quay thì với người miền Nam đây là một trong những lễ vật hết sức quan trọng. Người miền Nam với quan niệm mâm cỗ phải phong phú, có mặn có ngọt vậy nên lợn quay hay gà quay luôn là lựa chọn không thể thiếu mang biểu tượng của sự sung túc, giàu có, thịnh vượng, nhiều của ăn của để. Điều này còn thể hiện việc có thể bảo bọc cho cuộc sống sau này cho cô gái từ nhà trai.
3. Lễ đen
Số tiền trong lễ đen theo phong tục chính là số tiền nhà gái thách cưới nhà trai và được chuẩn bị trong một chiếc tráp nhỏ. Chiếc tráp này sẽ được mẹ chú rể đem đến và trao tận tay mẹ cô dâu như góp một phần lễ mọn cho lễ ăn hỏi. Tuy nhiên, đối với “lễ đen” nhà trai nên chú ý cách chuẩn bị để không làm phật lòng nhà gái. Tiền được mang đến phải là tiền mới được để trong phong bì song hỷ như tấm lòng thành của nhà trai dành cho nhà gái. Sau khi nhận tiền cheo thì khay lễ nhỏ này sẽ được đặt lên bàn thờ của nhà cô dâu một cách hết sức nghiêm trang và tiến hành làm lễ.
Đối với việc chuẩn bị lễ đen, lời khuyên cho các cô gái khi chuẩn bị chính là việc nên hỏi ý kiến gia đình mình và đồng thời có sự thảo luận, thống nhất với nhà trai để tránh thế khó xử cho hai bên.
4. Lễ vật dành riêng cho cô gái trong lễ ăn hỏi
Tráp lễ này thường không bắt buộc nhưng với những gia đình nhà trai khá giả, tráp lễ này sẽ được nhà trai chuẩn bị với khay đựng áo dài và đồ trang sức dành riêng cho cô dâu. Trong lễ ăn hỏi, cô dâu sẽ mặc áo dài và trang sức do nhà trai mang đến trong tráp dành tặng mình. Sau đó mới ra chào hỏi quan họ hai bên và sau đó làm lễ trước bàn thờ tổ tiên.
Với những quy chuẩn cũng như nét khác biệt rất rõ ràng giữa mâm lễ vật ăn hỏi của 3 miền, các cô dâu chú rể nên có sự chuẩn bị và tìm hiểu kỹ càng. Khi chuẩn bị mâm lễ nên có sự thống nhất của cả gia đình nhà trai và nhà gái để có một lễ ăn hỏi thuận lợi, vui vẻ.
Nếu bạn muốn tham khảo thêm những hình ảnh mâm quả trong ngày cưới, bạn có thể xem thêm tại: http://www.dichvudamcuoi.com.vn/vn/gallery/22/mam-qua.html
Nguồn: sưu tầm