Chỉ cần 2 tháng chuẩn bị cho ngày cưới của mình một cách cật lực, bạn có thể tự hào chia sẻ kinh nghiệm và cảm xúc với rất nhiều cô dâu đang chập chững bước vào giai đoạn lên kế hoạch. Bạn có thể biết rõ trong thành phố này, chỗ nào may áo cưới tiết kiệm nhất, nhà hàng nào có dịch vụ tốt nhất, shop hoa nào làm việc tận tình nhất, wedding planner nào sáng tạo, chuyên nghiệp và có cảm xúc nhất. Nhưng bạn có thể đang quên mất những thắc mắc tưởng chừng rất nhỏ nhưng khi phát sinh lại dẫn đến nhiều lúng túng và nhiêu khê.
Câu hỏi số 1: Nếu tôi có mang lúp cưới, thì khi nào là thời điểm thích hợp để cởi nó ra?
Rất nhiều cô dâu quan tâm đến lúp cưới, thiết kế thế nào, màu sắc ra sao, nhưng lại ít ai quan tâm đến việc tháo nó ra khi nào và để nó ở đâu sau khi tháo ra. Chiếc lúp cưới khiến cho mọi thứ xung quanh bạn, từ trang phục, tới không gian gần trở nên lung linh, và đôi khi đó là điểm nhấn duy nhất khiến bạn khác với những người khách bình thường, khiến bạn mang dáng dấp một cô dâu, nên hai thời điểm thích hợp nhất để tháo chiếc lúp quan trọng này ra: một là ngay sau khi phần lễ trên sân khấu kết thúc, lúc mọi người bắt đầu nhập tiệc và bạn cũng bắt đầu chuẩn bị cho phần chào khách. Hai là ngay sau khi chào những bàn khách quan trọng xong, bạn có thể tháo chiếc lúp của mình ra (tốt nhất là nên nhờ tới người làm tóc nếu anh ta/ cô ta còn ở đó), và để nó lên trong phòng thay đồ của mình hoặc để ngay đằng sau chiếc ghế ngồi của mình. Việc này tránh chiếc lúp kỷ niệm này bị lạc mất, cũng như tránh tình trạng rơi rớt đâu đó và bị người khác vô tình dẫm lên.
Câu hỏi số 2: Làm thế nào để di chuyển phần tiệc và phần lễ lại gần nhau nếu chúng vô tình ở khá xa?
Ví dụ bạn tổ chức tiệc cưới của mình tại không gian ParkHyatte, phần lễ được làm ở khu vực hồ bơi, và chỉ bao gồm một nhóm khoảng 20-30 người tham dự, phần lớn khách mời đang ở trong sảnh cách đó khoảng mười mấy bước chân để chờ phần tiệc. Việc gián đoạn về mặt không gian có thể dẫn tới nhiều hệ lụy không hay, quan khách chờ đợi và hoang mang không biết chuyện gì đang xảy ra, chưa kể thời gian tiến hành lễ có thể bị kéo dài, dẫn tới tâm lý khó chịu nơi những người dự tiệc.
Cách giải quyết tốt nhất trong trường hợp này là nhờ MC thông báo cho tất cả khách mời tiệc biết là phần lễ sẽ đươc tổ chức ngay bên ngoài, và họ có thể theo dõi diễn tiến của không gian lễ ngay trên màn hình lớn được đặt tại sân khấu phòng tiệc. Có thể mọi người sẽ bình tâm theo dõi phần lễ của bạn và cũng không nóng lòng vì không biết chuyện gì đang xảy ra.
Câu hỏi số 3: Bạn bè thể nào cũng yêu cầu chúng tôi phải hôn nhau trong tiệc cưới của mình. Chúng tôi cảm thấy ngượng ngùng vì chuyện này, làm thế nào để chọn thời điểm hôn nhau cho tự nhiên nhất?
Đa phần mọi người sẽ rất hào hứng với chuyện nhìn thấy một đôi vợ chồng mới cưới hôn nhau ngay trên sân khấu, nhưng nếu bạn không thoải mái và tự nhiên, vì lịch sự chắc chắn mọi người sẽ không ép. Nếu bạn thật sự muốn thể hiện tình yêu của mình qua một nụ hôn, cách tốt nhất là thực hiện nó một cách tự nhiên, xúc cảm và nhẹ nhàng nhất, có thể là một cái hôn trên trán của nàng, một cái hôn vào má chàng, hoặc giây phút cả hai cùng nắm tay nhau, nhớ lại lần đầu gặp nhau, nhớ lại những kỷ niệm vui buồn bên nhau, và giây phút chàng cầu hôn bạn, tất cả những điều đó đều khiến cảm xúc dâng trào và giúp hai bạn thoải mái hơn khi trao nhau nụ hôn. Không có một quy luật nào cho việc nụ hôn trong ngày cưới nên diễn ra vào lúc nào, hãy thực hiện nó khi bạn cảm thấy tự nhiên và hào hứng nhất. Nên nhớ tự nhiên luôn là chìa khóa của mọi tình huống khó xử.
Câu hỏi số 4: Tôi nên để nhẫn đính hôn của mình ở đâu? Hay vẫn đeo vào tay?
Bạn nên đưa chiếc nhẫn đính hôn cho mẹ hoặc chị hoặc em gái của mình cầm. Nếu nghi thức trao nhẫn tái hiện trên sân khấu thì việc có sẵn một chiếc nhẫn ngay trên ngón áp út của bạn sẽ khiến chú rể lúng túng và không biết xử sự thế nào. Còn nếu nghi thức trao nhẫn không được tái hiện ngay trên sân khấu thì việc có đến 2 chiếc nhẫn trên cùng một bàn tay trong ngày cưới cũng không được đẹp mắt lắm.
Câu hỏi số 5: Ai là người vén lúp cưới cho tôi trong ngày cưới?
Ở Việt Nam, trong lễ cưới diễn ra ở nhà thờ hoặc thậm chí trong tiệc cưới chính của các gia đình có truyền thống tôn giáo lâu đời, sẽ có phần Bố dẫn tay con gái đi dọc theo lối đi của thánh đường, và trao tay lại cho con rể đang đợi sẵn ngay ở cuối lối đi. Thì việc vén lúp cưới cho cô dâu thường sẽ do chú rể thực hiện, sau khi đã nhận bàn tay cô dâu từ phía bố vợ của mình.
Câu hỏi số 6: Cô dâu thường đứng ở bên nào trong ngày cưới của mình?
Theo phong tục của người Việt (và ngay cả các nước phương Tây cũng vậy), thường trong lễ cưới, cô dâu chú rể sẽ đứng theo cấu trúc “Nam tả nữ hữu”, chú rể đứng bên trái và cô dâu đứng bên phải của chú rể. Theo đó nhà gái sẽ tập trung ngồi ở cánh phải và nhà trai sẽ tập trung ngồi ở cánh trái.
Câu hỏi số 7: Tôi có thể cởi giày cho đỡ đau chân trong suốt thời gian chào khách không?
Dù cho chiếc váy cưới của bạn có “đời thường” hay “trang trọng” thế nào thì việc đi chân không để chào khách vốn đã là một việc không nên làm. Thay vì vậy nếu sợ bị đau chân, với một chiếc váy cưới trang trọng và hoành tráng, che phủ cả đôi chân, thì bạn nên tìm một chiếc dép hoặc một đôi giày đế xuống, bạn cần chiều cao để tôn lên vóc dáng của mình, và để tự tin sải bước, nhưng không phải mất đi thế thăng bằng của đôi bàn chân.
Còn nếu váy cưới của bạn giản dị và là váy ngắn, không thể diện một đôi xuồng khủng, bạn có thể tìm một đôi giày bít đế bằng cùng tông màu với chiếc váy ngắn, trông bạn vẫn thanh mảnh, gọn gàng, duyên dáng mà lại không sợ bị đau chân khi đứng suốt vài tiếng đồng hồ.
Và lời khuyên là dù cho bạn dùng đôi giày cưới loại nào thì cũng nên thử mang nó vài ngày trước khi xỏ vào chân trong ngày cưới. Đôi chân bạn sẽ quen với cấu trúc cũng như chất liệu của đôi giày và không còn bỡ ngỡ để rồi “giở chứng” trong ngày trọng đại của bạn.
Nguồn: sưu tầm